Bà Sương Nguyệt Anh được tôn vinh trên trang chủ của Google Doodle

Bà Sương Nguyệt Anh, người được coi là nữ chủ bút Việt Nam đầu tiên đã được Google Doodle tôn vinh vào ngày 1/2/2023.

Lời giới thiệu Google Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh nhấn mạnh, bà là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.

Theo Google, vào ngày 1/2/1918, tờ Nữ Giới Chung đầu tiên được xuất bản. Đây là tờ báo mà bà Sương Nguyệt Anh làm tổng biên tập.

suongnguyetanh-1675224951.jpeg

Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh.

Sương Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre. Cha của bà là Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ và cũng là thầy dạy bà đọc và viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.

Sương Nguyệt Anh cũng là một thi sĩ. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà viết về hoa mai. Do đó, hình vẽ Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh ngày 1.2 có sự kết hợp của hoa mai.

Google Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh do nghệ sĩ khách mời từ Hà Nội Camelia Phạm thực hiện. 

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu qua đời khi Sương Nguyệt Anh 24 tuổi. Bà cùng anh trai tiếp quản trường học của cha để dạy cho người dân địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, thành phố Mỹ Tho, kết hôn và sinh con gái. Hai năm sau, chồng Sương Nguyệt Anh qua đời.

Sương Nguyệt Anh (tên thật là Nguyễn Thị Khuê) trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam khi bắt đầu viết cho báo Nữ Giới Chung ở Sài Gòn với bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là “Nguyệt Anh góa bụa”. Nhiều số của tờ Nữ Giới Chung nói về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội Việt Nam.

Sương Nguyệt Anh nổi tiếng với trí tuệ và tư duy cởi mở cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Nhân vật được Google Doodle tôn vinh hôm nay là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau. Bà có mối quan hệ với mọi người từ mọi tầng lớp xã hội và đối xử với họ một cách tôn trọng.

Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà từng bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.

Bà Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ như Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, Cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến... và vài bài vè như: Vè tiểu yêu, Vè thầy Hỷ, Vè đánh đề.

Có một số đường phố mang tên Sương Nguyệt Anh ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Vũng Tàu