Chuyện người Mông giữ cây đào đá

Cây đào và hoa đào rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Mông. Vì thế, đào được đồng bào trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần du canh, du cư. Ngày nay, cây đào của người Mông còn là loại cây cho kinh tế, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.
177d2201210t62430l0-1664350377.jpeg

Đào được trồng nhiều năm, thân cây sẽ rêu mốc, cho giá trị kinh tế cao (ảnh to). Từ thân cây khẳng khiu, mốc thếch, xù xì... tưởng như đã chết khô, đến ngày đến tháng lại bật ra những chồi nụ đẹp đẽ đến không ngờ (ảnh nhỏ).

Cây đào trong đời sống đồng bào Mông

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Nhi Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào tộc Mông. Nơi đây được xem là “thủ phủ” của đào đá, đào rừng miền Tây xứ Thanh nhờ khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt.

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia người Mông thường bị các loại ma rừng, ma hổ... quấy nhiễu khiến con người bệnh tật, vật nuôi không sống nổi, mùa màng thất bát. Đi tìm câu trả lời cho những xui xẻo trên, người Mông quyết định trèo lên núi để hỏi tổ tiên của mình xem nguyên nhân tại sao mà họ lại phải đương đầu với hàng loạt những tai ương khốn khổ như thế. Thế rồi khi người đại diện của bản Mông trèo lên tới đỉnh núi thì đã cuối mùa đông, gió thổi rất mạnh mọi cây cối bị gãy nhưng duy nhất chỉ có cây đào là vẫn đứng vững bung nở những cánh hoa rực rỡ. Nghĩ rằng, tổ tiên đã cho mình một loài cây quý vô giá để chống lại sự quấy nhiễu của các thế lực siêu nhiên, bèn đem về trồng và xem nó là cây xua đuổi tà ma. Trải qua rất nhiều năm, mỗi lần rong ruổi đi tìm miền đất mới, đồng bào Mông lại mang theo những hạt giống để rồi ươm xuống. Nơi nào đào nảy mầm sẽ là nơi dừng chân để có thể an cư lạc nghiệp.

Nhờ được nuôi dưỡng bằng tinh túy của những hạt đất chắt chiu trong sườn núi đá, bằng cái lạnh cắt da cắt thịt mà cây đào cũng trở nên kiên cường. Hạt đào khi đã nảy mầm là lập tức trưởng thành rất nhanh. Từ thân cây khẳng khiu, mốc thếch, xù xì... tưởng như đã chết khô, đến ngày đến tháng lại bật ra những chồi nụ đẹp đẽ đến không ngờ. Đặc biệt với đào đá, cây càng già tuổi đời càng không ngừng bung ra những cánh hoa đẹp như một sự trường sinh bất lão mà không thể có bất cứ một thứ bút lực nào mô tả nổi vẻ đẹp yêu kiều, vi diệu của nó. Và để có những cành đào thế đẹp, vững chãi trên núi đá thì ít nhất cây đào đó phải từ 20 - 25 tuổi trở lên. Điều đó đồng nghĩa với việc, cây đào càng già giá trị càng cao.

Giờ đây, nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả vài triệu đồng để mua một cành đào có đường kính gốc chỉ khoảng hơn chục centimet. Cây có thế cành đẹp, thân mập xù xì, có nụ, có hoa, có lộc và nếu có cả địa y, tầm gửi bám vào thì càng đắt giá. Chính vì những lối “chơi” kiểu “tận thu” và “tận diệt” như thế nên đã và đang “góp phần” khiến cho những cây đào thiêng ngày một thưa dần trên những khu vườn của các gia đình người Mông.

“Thuần hóa” đào rừng

Leo qua những con dốc lên thăm vườn đào của gia đình ông Lâu Văn Dính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pù Nhi, trong khi tôi thở cả ra lỗ tai thì ông vẫn tỉnh bơ, nói: “Nhà báo yếu quá, còn chưa đi hết 1/3 quãng đường đâu. Ta phải leo lên tới gần đỉnh núi cơ".

Theo anh Dính, đào rừng hiện rất hiếm. Đào mà bà con mang xuống xuôi bán là đào rừng trồng ở vườn nhà. Trước kia, cây đào tự sinh, tự diệt, quả ít thì ăn, nhiều thì bán. Gần chục năm nay, nhiều người dưới xuôi lên mua cành đào chơi tết. Giá cành đào từ vài trăm ngàn đến cả triệu, tùy vào hình dáng, nụ, rêu mốc tầm gửi bám ở thân cây... Chưa kể, đến mùa quả bán cũng rất được giá. Thấy đào dễ trồng, lại không mất nhiều công chăm sóc mà bán được giá, nhiều hộ dân đã học tập, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng đào. Cây đào đang từng bước trở thành loại cây trồng chủ lực, đem lại kinh tế cao cho bà con đồng bào Mông.

Chỉ tính riêng xã Pù Nhi, những năm qua đã trồng mới gần 10.000 gốc đào, nâng tổng số đào của cả xã lên 23.000 gốc/10 ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Cơm, Pù Toong, Pù Ngùa, Pù Quăn... Bà con người Mông thường chia đào ra thành 2 loại gồm giống đào đá của người Mông từ xưa và giống đào dự án - tức là những loại đào từ nơi khác lai ghép và đem về trồng thử nghiệm ở địa phương.

Gia đình ông Lâu Văn Chá A, sinh năm 1952, ở bản Pù Toong là gia đình trồng nhiều đào nhất ở xã Pù Nhi, hiện có khoảng 500 gốc, toàn bộ là đào đá, đào rêu mốc, trong đó có gần 50 gốc đào già tuổi thọ khoảng 20 năm. Năm nào nhà ông cũng trồng thêm đào mới, đây là cách người Mông giữ gìn giống đào quý của tổ tiên.

“Trước ăn đào, ném hạt lên nương, hạt nào lên cây thì rào lại để tránh trâu bò phá. Giờ thì phải để giống quả, lấy hạt ươm. 300 hạt thì được khoảng 200 cây. Còn phải chăm, phải cắt tỉa cành, rét đậm, sương muối phải biết cách “ủ ấm” cho đào”, ông Chá A chia sẻ.

Hàng năm, gia đình ông Lâu Văn Chá A chặt cành bán và giữ gốc lại, sau 3 - 4 năm cành bị chặt sẽ tiếp tục phát triển trở lại và lại cho thu hoạch. Nhờ vườn đào mà hàng năm, gia đình ông thu nhập nhiều triệu đồng. Việc đào rừng xuống phố phần nào giúp nét văn hóa của người Mông không còn ở trên rẫy, mà được sẻ chia khắp mọi nơi và cũng góp phần làm cho cuộc sống của chính dân bản nơi đây đủ đầy, ấm áp hơn.

Chia sẻ về hướng phát triển của cây đào, ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: “Cùng với cây mận, mô hình trồng đào đang từng bước giúp cho bà con người Mông thoát nghèo. Ngoài hoa, thì quả đào cũng rất có giá trị. Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đã cho loại cây trồng này ngon, ngọt hơn so với nhiều nơi khác. Để có chất lượng, nhiều hộ đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng, trong đó có giống đào lai. Tuy nhiên, đào nằm rải rác khắp huyện, nhà ít vài gốc, nhà nhiều vài trăm gốc... rất khó để phát triển thành vùng chuyên canh. Để phát triển và đưa cây đào trở thành cây trồng chủ lực, huyện cần những dự án lớn, đồng bộ từ cây giống, kỹ thuật, đầu ra"...