Du lịch 6 tháng đầu năm: Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 7 lần

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính chung tháng 6/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt khách, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021...

Theo đó, Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại nên trong số này, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường bộ chiếm gần 13% và gấp 2,4 lần; bằng đường biển chiếm 0,02% và giảm 42,6%.

Tính chung 6/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt khách, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè, doanh thu của ngành này trong tháng 6/2022 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 52,1%; Đồng Nai tăng 22,6%...

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều điểm đến trên cả nước có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch. Trong đó, du lịch Hà Nội đã "bứt tốc" mạnh mẽ, đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang phục hồi mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh ước tính đón được 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ, tăng 19,57% so với kịch bản. Đặc biệt, tỉnh đã đăng cai tổ chức chu đáo, thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh an toàn, ngày càng giàu đẹp-văn minh-hiện đại tới bạn bè quốc tế.

d111-1656811277.jpeg

Phố cổ Hội An (Đà Nẵng) là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng dần được khôi phục. Sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động dịch vụ du lịch ngay từ giữa tháng 3/2022, du lịch Đà Nẵng đã có khởi sắc, phục hồi tích cực kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70 - 75%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa đã đón 1,046 triệu lượt du khách, tăng 128,64% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 42.507 lượt, tăng 122,51% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 5.549,7 tỷ đồng, tăng 209,44% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch đề ra 4.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, TP.HCM chính là "quán quân" thu hút khách du lịch nội địa của nửa đầu năm nay. Sở Du lịch TP. HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022, cùng với 478.000 lượt khách quốc tế, tăng 100% so với cùng kỳ, đạt 13,7% so với kế hoạch năm 2022.

Để có được kết quả trên là do ngành du lịch triển khai một loạt các giải pháp kích cầu du lịch. Các chiến dịch truyền thông, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước được đẩy mạnh với thông điệp Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam với thị trường quốc tế; Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn với thị trường du lịch nội địa. Nhiều giải pháp mang tính nền tảng đã được thực hiện tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh…

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50 - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Nguồn khách quay lại ấn tượng hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Mặc dù giá xăng dầu có ảnh hưởng tăng giá dịch vụ nhưng nhu cầu bật mạnh nên khách vẫn hấp thụ được trong mùa cao điểm. Xu hướng mới của năm nay là du khách chọn các tour tự túc, ít thông qua các đơn vị trung gian như công ty lữ hành, nhưng doanh thu từ các đơn vị cung ứng trực tiếp tăng rất rõ.

Tới đây cùng với sự phục hồi của thị trường quốc tế, các công ty lữ hành cũng phải tự phát triển thêm các sản phẩm, để du lịch đi vào chiều sâu chứ không chỉ bề nổi, tăng giá trị doanh thu thực sự. Các cơ quan chức năng cũng cần có những chính sách cụ thể, kịp thời giúp các doanh nghiệp giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhanh chóng nâng cấp dịch vụ, hồi phục đồng bộ để du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững.