Lăng kính chứng khoán: Nhịp rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra

Nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian gần tới, cân nhắc khả năng chốt lời ngắn hạn, cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Sự quay đầu của nhóm vốn hoá lớn sau khi chạm mốc kháng cự 1.060 đã khiến VN-Index giảm điểm chốt phiên, mức thanh khoản vẫn duy trì trung bình.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/1, VN-Index giảm 4,38 điểm, tương đương 0,41% xuống 1.051,44 điểm. Toàn sàn chỉ có 121 mã tăng, còn lại 274 mã giảm, 57 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,46 điểm, tương đương 1,15% về 210,65 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 110 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm còn 72,75 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 14 mã giảm giá.

Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 13.751 tỷ đồng, tăng 32,8% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng tăng 30% lên 11.946 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản thị trường đạt 5.213 tỷ đồng.

anh-man-hinh-2023-01-06-luc-221451-1673072158.png

Phân bổ dòng tiền (Nguồn: BOS).

Thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực bán

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Nhịp tăng của thị trường đã dừng lại và quay đầu trước áp lực của vùng cản 1.065 điểm tại VN-Index. Diễn biến dòng tiền thận trọng khi VN-Index tiến đến vùng cản này và áp lực cung có động thái gia tăng vào giai đoạn cuối phiên.

Đồng thời đồ thị VN-Index và VN30-Index xuất hiện nến Shooting Star. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực bán trong phiên giao dịch tiếp theo và có khả năng sẽ điều chỉnh để tìm vùng cân bằng sau nhịp tăng gần đây.

Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian gần tới. Đồng thời vẫn cần cân nhắc khả năng chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Việc rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra

Chứng khoán VCBS: Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN Index kết phiên cuối tuần tạo mẫu hình nến tương tự như mẫu hình nến Inverted hammer cho thấy áp lực chốt lời T+ đã xuất hiện mạnh hơn.

Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI đã tạo 2 đỉnh và có dấu hiệu suy yếu báo hiệu cho việc rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra nếu áp lực bán gia tăng. Hỗ trợ gần nhất của VN Index sẽ nằm trong vùng điểm 1.030.

Tuy nhiên việc MACD ở khung đồ thị này chưa có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên xác suất giảm điểm mạnh của VN Index sẽ khó xảy ra. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động hiện thực hóa lợi nhuận đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công ở các phiên trước để tối ưu hóa lợi nhuận.

Thêm vào đó, những phiên rung lắc mạnh của thị trường cũng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc lướt sóng T+ trong ngắn hạn đối với những nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí. 

VN-Index tiếp tục giao động trong vùng 1.035-1.080

Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index vẫn chịu áp lực bán lớn khi tăng lên vùng 1.065 điểm. Sự xuất hiện của nến hình búa ngược cho thấy bên bán có xu hướng áp đảo về cuối phiên. Diễn biến này sẽ tạo áp lực lên chỉ số trong phiên giao dịch tiếp theo.

Sự gia tăng của thanh khoản trong các nhịp giảm là tín hiệu tiêu cực cho xu hướng của chỉ số. Dự báo, VN-Index tiếp tục giao động trong vùng 1.035-1.080 điểm trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Áp lực chốt lời đang xuất hiện

Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng và ở trên mức bình quân 10 phiên, hàm ý áp lực chốt lời đang xuất hiện. Không những vậy, chỉ số tạo bóng nến trên dài, cùng với các phiên gần đây tạo nến thân thu hẹp dần, cho thấy đà tăng điểm đang chững lại và chỉ số đang chịu áp lực điều chỉnh trở lại.

Tuy nhiên, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA20 và đường MA5 cắt lên đường MA20, cùng với đường MACD hướng lên trên Signal duy trì tín hiệu mua, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn có thể vẫn còn và phiên giảm vừa qua có thể nằm trong nhịp rung lắc kỹ thuật nhằm củng cố lại xu hướng chính, với hỗ trợ gần quanh vùng 1.031 điểm (MA20).

Nhìn chung, thị trường có thể đang trong nhịp rung lắc kỹ thuật sau phiên giảm 6/1. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp rung lắc kỹ thuật này để tái cơ cấu lại vị thế lướt sóng, với ưu tiên là các cổ phiếu có cơ bản tốt, dự báo quý IV khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh