Apple đã chuyển 11 nhà máy sang Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), Tập đoàn Apple (Mỹ) đã chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam.

Ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho biết, thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.

Đơn cử, đến nay tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại Tp.HCM tổng trị giá 4 tỷ USD, tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỷ USD.

photo-1-1589174510967170183483-20200512075404-1117-1693984183.jpeg

Apple đã chuyển 11 nhà máy sang Việt Nam (Ảnh minh họa).

Gần đây, những tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Google, Walmart đều có sự nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng chỉ ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp. Khâu cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành sản xuất chế biến chế tạo, dệt may, da giày phần lớn phải nhập khẩu.

Theo ông Hoàn, trước kia Việt Nam tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ nhưng hiện nay chi phí nhân công ngày càng tăng nên mất dần lợi thế này.

Tận dụng tất cả những cơ hội trên cùng với vị thế địa chính trị của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội chiến lược trong chuỗi cung ứng khi trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển về phía Đông và phía Nam. Biển Đông là một vị trí chiến lược đối với các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Giao thông đường biển thuận lợi sẽ là huyết mạch chiến lược để giao thông thương mại và vận chuyển quốc tế phát triển thuận lợi.

Đi đôi với cơ hội, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, như sản phẩm Việt Nam đang phải cạnh tranh trên chính thị trường nội địa, yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng tạo sức ép không nhỏ cho doanh nghiệp, tạo áp lực đổi mới về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cũng như sức ép về sự đổi mới phương thức quản lý nguồn nhân lực, sức ép về gia tăng vốn đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng...