Hà Nội thấp thỏm chờ “chốt” môn thi vào lớp 10

Trước tranh cãi của dư luận, Hà Nội đã lấy phiếu khảo sát xin ý kiến thầy cô giáo về nội dung thi 3 hay 4 môn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Hà Nội cân nhắc việc tổ chức ba hay bốn môn thi vào lớp 10 năm 2023

Hàng năm, khoảng tháng 3, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ tư của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông. Bên cạnh 3 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, môn thứ tư được lựa chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Đây là kỳ thi có số lượng học sinh dự thi đông, trong khi chỉ tiêu dành cho các trường trung học phổ thông chỉ khoảng 60%, nên thông tin về số lượng môn thi luôn được các nhà trường, phụ huynh và học sinh quan tâm theo dõi.

Xuất phát từ thực tế học tập chịu ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid- 19 của lứa 2008 cùng nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh, chiều 16/2, Văn phòng UBND Tp.Hà Nội đã tổ chức khảo sát trực tuyến để xin ý kiến giáo viên về việc thi 3 hay 4 môn trong kỳ thi vào lớp 10.

Nội dung phiếu nêu rõ: “Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS theo quy định của Luật Giáo dục, thầy cô giáo lựa chọn phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 sau: 1. Thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 2. Thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (bốc thăm).

Ngoài ra, thầy cô có thể đưa ra ý kiến khác (nếu có). Đến 16 giờ cùng ngày- sau khoảng 2 tiếng xin ý kiến, hệ thống khảo sát trực tuyến đã được khóa lại để thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo.

Việc lấy ý kiến này của Hà Nội được dư luận và phụ huynh học sinh hết sức quan tâm khi điều chỉnh phương án thi vào lớp 1 của Hà Nội sẽ được cân nhắc trên cơ sở ý kiến rộng rãi từ giáo viên, phụ huynh.

ha-noi-thap-thom-cho-chot-mon-thi-vao-lop-10-1-1676627290.jpeg

Phiếu khảo sát môn thi vào lớp 10.

Cân nhắc không gây áp lực cho học sinh, đảm bảo kiến thức nền tảng

Theo thống kê qua một số năm Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 4 môn thi thì điểm của môn thứ 4 luôn ở mức cao nhất. Ngoài việc Sở GD&ĐT Hà Nội đăng tải các bộ đề ôn tập trên hệ thống ôn tập trực tuyến, cấu trúc đề thi môn thứ 4 qua các năm không gây khó khăn cho học sinh khi kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 9.

Từ thực tế trên, chị Trương Tiểu Phương (quận Cầu Giấy) cho rằng, việc Hà Nội tổ chức thi 4 môn không hẳn đã là bất lợi cho học sinh bởi điểm số của môn thứ 4 nhiều khi lại là cứu cánh cho tổng số điểm và dù có tổ chức 3 hay 4 môn thi thì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội không thay đổi.

"Việc học đều các môn cũng là một lợi thế cho học sinh khi bước vào bậc học cao hơn. Cho dù ở bậc Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục đích "giáo dục định hướng nghề nghiệp", những kiến thức nền tảng, toàn diện vẫn luôn cần thiết, hỗ trợ rất nhiều cho các con khi lựa chọn nghề nghiệp sau này", chị Phương nêu quan điểm.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã xây dựng dự thảo phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, trong đó có tuyển sinh vào lớp 10 trình UBND TP phê duyệt. Trong đó, Sở đã cân nhắc đồng thời mục tiêu vừa không gây áp lực cho học sinh, vừa đảm bảo kiến thức nền tảng để học sinh bước vào cấp học Trung học Phổ thông.

Để đảm bảo các mục tiêu đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai dạy theo chương trình sách giáo khoa, đảm bảo không để học sinh học lệch, học tủ.

Việc thi 4 môn trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông được Hà Nội triển khai từ năm 2019 với môn thi thứ tư là Lịch sử. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến kéo dài nên thành phố quyết định thi 3 môn.

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục tổ chức thi 4 môn nhưng giảm thời gian làm bài của mỗi bài thi cũng như cấu trúc đề thi. Đến năm 2022, học sinh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên học sinh chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nào cũng căng thẳng, gây áp lực rất lớn cho học sinh bởi vì các em phải cạnh tranh khốc liệt suất học trường THPT công lập.

Mỗi năm, Hà Nội chỉ dành khoảng 60% suất học trường công, số còn lại phải có các lựa chọn khác, trong khi phụ huynh luôn đặt kỳ vọng cao vào con cái. Phương thức tổ chức thi Hà Nội cũng “vấp” sự phản ứng của dư luận khi tổ chức 4 bài thi, trong đó 3 bài thi được biết trước gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và sát kỳ thi mới công bố bài thi thứ tư.