Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu trực tuyến

“Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến” có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến

Tại buổi tập huấn “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến” ngày 17/6, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở mọi quy mô đã liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, thách thức do Covid-19 cũng như bất ổn chính trị tại một số nơi trên thế giới. Trong bối cảnh này, thương mại điện tử đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các doanh nghiệp muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu.

“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường”, bà Huyền nói.

Theo bà Huyền, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 đã tăng tới 25,7% so với năm 2020. Và theo số liệu của Amazon, năm 2021 đã có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp SME Việt Nam được bán thông qua sàn thương mại điện tử này, tăng gần 35% so với năm 2020. Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả này còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đáng nói, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến.

Bên cạnh những tích cực, việc chuyển đổi sang xuất khẩu trực tuyến cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

“Một chương trình tổng thể sẽ được khởi động trong thời gian tới nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, “Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến” có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021 - 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến”, bà Huyền cho hay.

xuat-khau-truc-tuyen-1655545855.jpeg

Doanh nghiệp tham dự tập huấn “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến”. Ảnh: Công thương.

Theo đó, các giải pháp, các chương trình và sự kiện chính bao gồm: Sàn thương mại điện tử ECVN (khai trương phiên bản 2 năm 2020) nơi góp mặt của hơn 3.000 gian hàng nội địa với lượng traffic đạt gần 30.000 lượt một tháng đã và đang tiếp thị hơn 12.000 sản phẩm tới thị trường quốc tế; Cổng thông tin Vietnamexport, một nền tảng cung cấp thông tin chính thống về tình hình xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, với sự đồng hành của hơn 60 thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đảm bảo đem đến những thông tin mới nhất, những nhận định, đánh giá khách quan và sát với thực tế giúp doanh nghiệp có chiến lược phù hợp với sự biến động của thị trường; Ứng dụng “Hỏi đáp và tư vấn thông tin xuất nhập khẩu” giúp trả lời nhanh chóng những thắc mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân về những quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý thông qua hệ thống AI tiên tiến; Chuỗi các hội nghị trực tuyến kết nối trực tiếp doanh nghiệp sản xuất với nhà nhập khẩu quốc tế. Trong các hội nghị này, ban tổ chức ngoài việc kết nối còn có các chương trình hỗ trợ trước, trong và sau sự kiện. Giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm bắt trọn vẹn thông tin và chuyển hóa thành công những cơ hội đến trong chương trình….

Trong khuôn khổ chương trình này, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được lựa chọn sẽ nhận tư vấn từ quá trình R&D sản phẩm dựa trên khảo sát thị trường của ban cố vấn. sau khi phát triển được sản phẩm có năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tham gia tối tiểu 3 sàn thương mại điện tử quốc tế, có nhân sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng, marketing giúp quảng bá sản phẩm cho tới khi có đơn hàng thực tế.

Theo Quân đội nhân dân, ngày 9/6 vừa qua, tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hà Nội) đã hỗ trợ thành công kết nối giao thương trực tiếp giữa 8 nhà cung cấp đến từ thành phố Ulsan Hàn Quốc với gần 30 doanh nghiệp mua hàng Việt Nam. Đây là sự kiện giao thương trực tiếp đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn đi lại bởi dịch Covid-19.

Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Văn phòng KOTRA Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất gồm: Mỹ phẩm, thực phẩm-đồ uống, thiết bị-vật tư công nghiệp,… Hơn 40 cuộc giao thương (1:1) liên tục với các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào các nội dung như giới thiệu chi tiết sản phẩm, các yêu cầu về chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn Hàn Quốc/quốc tế của sản phẩm, các điều kiện làm nhà phân phối...

“Chúng tôi tin tưởng sẽ có những hợp đồng thương mại được ký kết sau các cuộc giao thương này. Cũng tại sự kiện lần này, KOTRA Hà Nội đã tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp 2 nước các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế”, bà Trần Thị Hải Yến bày tỏ.

Năm 2022 đánh dấu sự kiện quan trọng và ý nghĩa kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc. KOTRA Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, dự kiến với hơn 80 sự kiện giao thương trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.300 doanh nghiệp Hàn Quốc với gần 1.500 doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra trong năm 2022.