Trồng loại cây bán từ rễ đến ngọn, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng

Loại cây này có thể bán được toàn bộ các bộ phận của cây, thu về lợi nhuận cao cho người trồng.

Trồng cây hoa Atiso hơn 10 năm nay, anh Thanh Phạm (Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết năm nay anh mới trồng lại được 2000m2. Với diện tích này, anh trồng khoảng 3000 cây. Mỗi năm, anh thu giá nguyên liệu được trung bình khoảng 50.000 đồng/cây/năm tiền lãi.

Bên cạnh trồng Atiso, anh vẫn trồng xen canh được 2-3 lứa rau như súp lơ, cải thảo, bắp cải… để bán kiếm thêm thu nhập.

Anh cho biết cây Atiso là đặc sản của Đà Lạt nên quanh vùng anh có rất nhiều nhà vườn cũng trồng loại cây này. Loại cây này khó trồng nhưng đem lại lợi nhuận cao. “Cây này gặp mưa rất dễ bị chết nên cần trồng trên luống cao, cây cũng hay bị sâu bệnh nên cần được chăm sóc nhiều”, anh Thanh nhận định.

anh-chup-man-hinh-2023-03-11-luc-083821-medium-1678498912.jpeg

Cây Atiso có thể thu hoạch và bán toàn bộ từ gốc đến ngọn.

Quy cách luống ươm là 1 – 1,2m; trồng 1 hàng, cây cách cây 40 – 50 cm. Loại cây này thích hợp trồng trên đất có hàm lượng hữu cơ cao, độ ẩm và khả năng thoát nước tốt, độ ẩm trong đất phải đạt hơn 85%. Ngưỡng pH thích hợp để trồng cây là từ 5,5 – 6,5, đối với những vùng có nhiệt độ tương đối thấp như Đà Lạt hằng năm cần kiểm tra và cân bằng lại độ pH.

Khi trồng Atiso, anh Thanh tận dụng trồng xen canh với các loại rau khác để tăng thêm thu nhập. Đó cũng là cách để giảm bớt được cỏ dại mọc ở vườn.

Cây Atiso có 2 loại là hoa xanh và hoa tím. Hoa xanh thường sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món ăn nhiều hơn, còn hoa tím thường để làm dược liệu. Cả 2 loại này đều thu hoạch khoảng tháng 3, tháng 4 Dương lịch. Sau khi thu hoạch hoa xong, người làm vườn sẽ đào cả gốc và rễ làm trà hoặc bán cho thương lái.

anh-chup-man-hinh-2023-03-11-luc-083830-medium-1678498932.jpeg

Sau mỗi vụ, anh Thanh lại tiếp tục lấy những cây con trồng cho lứa tiếp theo.

Tại các gốc cây, những cây con sẽ được giữ và trồng lại. Những cây giống này sẽ lại được chăm sóc để cho mùa vụ tiếp theo thu hoạch. Theo anh, cây Atiso chăm sóc cả năm mới thu hoạch được.

“Tôi thấy các sản phẩm từ cây Atiso đang được bày bán rất nhiều trên thị trường. Nên tôi đã tự gia công làm sản phẩm và chú trọng nhiều vào phần chất lượng để cạnh tranh. Tôi trồng Atiso theo phương pháp bón phân hữu cơ để cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất có thể”, anh nói.

Cụ thể, anh sử dụng phương pháp thuận tự nhiên khi chăm sóc loại cây này. Anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng toàn bộ phân bò và các phân hữu cơ khác để bón cho cây và để cây sống chung cùng với cỏ.

Hiện tại, anh đang bán hoa Atiso xanh với giá 150.000 đồng/kg, còn thân và lá anh để chế biến thành sản phẩm trà túi lọc giá 375.000 đồng/kg, cao lá 120.000 đồng/hũ.

anh-chup-man-hinh-2023-03-11-luc-083838-medium-1678498961.jpeg

Hoa Atiso đang được bán tại vườn với giá khoảng 150.000 đồng/kg.

Do trồng cây này vốn ít mà thu lợi nhuận khá, mô hình của anh được rất nhiều người đến tham khảo. Đặc biệt, không ít sinh viên các trường cũng đến học hỏi về mô hình này. Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng để có thể tăng thêm thu nhập.

Cũng trồng cây Atiso, anh Cao Quang Hoàng Hưng (trú tại Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng đánh giá loại cây này mang lại lợi nhuận khá cho người trồng. Tuy nhiên, chúng khá khó trồng và chăm sóc. Nếu thời tiết mưa nhiều thì cây cũng dễ hư, khó phát triển. Hoa của chúng cũng dễ bị hỏng khi gặp thời tiết không thuận lợi.

Theo anh, trung bình 1.000m2 sẽ thu được về khoảng 150 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Do cây khó trồng nên anh không mở rộng diện tích mà muốn chăm sóc thật tốt cho diện tích 3.000m2 hiện tại. Đó cũng là lý do mà loại cây này không phải gia đình nào cũng lựa chọn làm kinh tế.