72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng, sẽ dẫn đến rủi ro

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết việc đăng ký một nguyện vọng sẽ khiến giảm cơ hội trúng tuyển, các thí sinh nên cân nhắc kỹ sắp xếp nguyện vọng phù hợp.

Sáng nay (22/7), ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 đã được diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT và các trường đại học nhằm để giải đáp những thắc mắc của thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Đưa ra thông tin tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết chỉ còn 9 ngày nữa hệ thống sẽ dừng nhận đăng kí xét tuyển nguyện vọng đại học. Các em cần thực hiện ngay thao tác đầu tiên của đăng ký nguyện vọng. Không nên chờ đợi giây phút cuối cùng, dễ xảy ra rủi ro, nghẽn mạng”.

Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi. Hệ thống mới ghi nhận gần 390.000 thí sinh đăng kí xét tuyển (chiếm khoảng 37%). Trong đó có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.

“Không phải 100% các em tốt nghiệp THPT đều đăng ký xét tuyển đại học. Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp so với những năm vừa qua. Con số theo các địa phương, nếu tính theo con số tuyệt đối, các thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất là ở Hà Nội và Tp.HCM”, bà Thuỷ cho biết.

tu-van-ts-small-1689997894.jpeg

Đại diện Bộ GD&ĐT và các trường tham gia tư vấn cho thí sinh.

Về việc có nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng đại điện Bộ GD&ĐT đưa ra lời khuyên thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng vì có quá nhiều rủi ro xảy ra. Nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm, tự tin, đây cũng là chiến lược tốt. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu đề án của trường để có lựa chọn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vừa lãng phí nguồn lực, không sử dụng hết những nguyện vọng đó. “Tôi đã từng thấy thí sinh đăng kí hơn 100 nguyện vọng, điều này là không cần thiết mà phải có chiến lược phù hợp. Phân bổ chỉ tiêu vào các nhóm trường, ngành có sự cạnh tranh khác nhau. Không đổ dồn hết nguyện vọng vào 1 nhóm các trường top đầu. Thực hiện từ đầu đến cuối quy trình đăng nhập vào hệ thống, đảm bảo hệ thống đã ghi nhận những điều chỉnh, nguyện vọng đó”, bà Thuỷ cho biết.

Nội dung được phần lớn các phụ huynh và thí sinh quan tâm đó là việc đăng ký xét tuyển sớm. Theo đó, nhiều cha mẹ băn khoăn về thủ tục xét tuyển sớm, cách sắp xếp đăng ký nguyện vọng.

Trả lời nội dung này, bà Thuỷ thông tin “Xét tuyển sớm là cơ hội giành cho thí sinh chứ không hạn chế cơ hội. Nếu trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu đối với phương thức. Nếu các em không lựa chọn xét tuyển sớm thì sẽ tạo cơ hội cho các em khác chứ không phải chiếm chỗ”.

hoc-sinh-hoi-small-1689998012.jpeg

Thí sinh lưu ý trong việc sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển.

Đại diện Bộ GD&ĐT lưu ý với các thí sinh, các em sẽ được xét trúng tuyển từ NV1 đến NV cuối cùng, đỗ ở NV nào thì sẽ không xét tuyển các nguyện vọng sau. “Các em tránh để nguyện vọng xét tuyển sớm đã đỗ ở NV3. NV1, NV2 dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các em vẫn có cơ hội đỗ và học NV1, nhưng chắc chắn không thể được xét tuyển NV3”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Phía trường đại học, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bày tỏ: “Đối với những thí sinh trúng tuyển sớm, các trường sẽ không chắc chắn giữ suất mãi, nên các em cần phải cân nhắc chọn lựa. Chúng ta đỗ nguyện vọng đầu tiên thì những nguyện vọng sau sẽ đóng lại”.

Về vẫn đề kỹ thuật, việc hệ thống có phần tích chọn cung cấp dữ liệu xét tuyển, bà Thuỷ cho biết đây không phải phương thức xét tuyển. Đó là dữ liệu, giúp cho hệ thống được chọn chính xác hơn những phương thức xét tuyển thí sinh đăng ký.

Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Khi đã xếp theo thứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể. Đối với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng.

Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường đó.